Chuyên mục: “Những nẻo đường Phú Nhuận”
1.Đường Đặng Văn Ngữ:
Lộ trình: Đường nằm trên địa bàn phường 10, 14 quận Phú Nhuận, từ đường Nguyễn Trọng Tuyển đến đường Trường Sa, dài khoảng 640 mét, lộ giới 16 mét.
Lịch sử: trước là đường hẻm, từ năm 1961 được mở rộng và được đặt tên đường Huỳnh Quang Tiên, nhưng chỉ mới đến đường Huỳnh Văn Bánh. Ngày 4/4/1985 đổi tên là Đặng Văn Ngữ. Từ năm 1995 làm nối tiếp đoạn ra kinh Nhiêu Lộc.
Tiểu sử: Đặng Văn Ngữ (Canh Tuất 1910 – Đinh Mùi 1967)
Ông là nhà khoa học, giáo sư bác sĩ, Anh hùng lao động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiệt tình yêu nước, ngay từ thuở trẻ ông đã nuôi chí học làm bác sĩ, làm nhà khoa học để cứu Nhân dân, xây dựng đất nước. Lúc trẻ ông học ở Huế, tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội, ông được cử sang Nhật học. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, ông tìm ra thứ nấm Péniccilline. Từ năm 1945 ông trở về nước phục vụ kháng chiến, ông chế ra nước lọc Péniccilline, nghiên cứu kế hoạch tiêu diệt sốt rét. Ông từng sát cánh với bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng tận tâm lo nước thương dân.
Ngày 8/02/1960 ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, ông càng hăng hái phục vụ tổ quốc, ông vào tận Vĩnh Linh và trên dãy Trường Sơn, đến tận những nơi có bệnh sốt rét hoành hành để nghiên cứu và chế thuốc điều trị cho bộ đội trong cuộc kháng chiến. Tháng 4/1967, ông hy sinh ở Vĩnh Linh.
Địa chỉ đỏ tiêu biểu:
Cô nhi viện Lâm Tỳ Ni (nay là trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch) trưa ngày 30/4/1975 là nơi gom giữ vũ khí địch của toàn Ấp Tây Ba. Đây là số vũ khí lớn nhất thu được trong toàn xã Phú Nhuận: 2200 súng đủ các loại, 4 tấn đạn dược, chất nổ, 47 quân xa. Chi bộ B.9 cánh K.41 đã phát động cuộc nổi dậy sớm nhất trong toàn xã, từ ngày 28/4/1975.
2.Đường Đào Duy Anh:
Lộ trình: Từ đường Hồ Văn Huê đến đường Hoàng Minh Giám thuộc phường 9 quận Phú Nhuận, dài khoảng 900 mét, lộ giới 20 mét.
Lịch sử: đường này mới được mở từ sau năm 1995, địa phương gọi tạm là đường Hồ Văn Huê 2. Ngày 14/7/1999, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt tên đường là Đào Duy Anh.
Tiểu sử: Đào Duy Anh (Giáp Thìn 1904 – Mậu Thìn 1988)
Ông là một nhà sử học, nhà nghiên cứu, hiệu là Vệ Thạch. Nguyên quán làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Từ đời ông nội cư ngụ tại Thanh Hóa.
Ông xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở còn nhỏ học ở Thanh Hóa, sau vào Huế học tại trường Quốc học. Năm 1923 tốt nghiệp bằng Thành chung (Trung học) làm giáo học tại Đồng Hới thuộc Quảng Bình.
Năm 1926 gặp nhà yêu nước Phan Bội Châu rồi từ chức giáo học, định vào Sài Gòn làm báo, vừa đến Đà Nẵng gặp Huỳnh Thúc Kháng lại trở thành cộng sự viên đắc lực cho báo Tiếng dân ở Huế. Năm 1927, ông tham gia Đảng Tân Việt, rồi chủ trương Quan hải tùng thu – cơ quan văn hóa của Đảng Tân Việt, cùng thời này ông là nhân viên đắc lực của báo Tiếng dân.
Năm 1929, ông bị Pháp bắt, đến năm 1930 được trả tự do. Từ đó ông dạy tư tại trường Thuận Hóa (Huế), chuyên tâm nghiêm cứu sử học, văn học. Trong thời gian này ông đã hoàn thành nhiều công trình văn hóa nghiêm cẩn.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giảng dạy tại Đại học Hà Nội, rồi tản cư vào Thanh Hóa làm việc tại chi hội Văn nghệ liên khu IV. Năm 1950 ông ra Việt Bắc phụ trách Ban Văn Sử Địa thuộc Bộ Giáo dục, năm 1953 ông làm Giáo sư Sử học lớp Dự bị Đại học ở Thanh Hóa. Năm 1954 ông ra Hà Nội giảng dạy sử học tại Trường Đại học Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội. Ông mất năm 1988 tại Hà Nội.
Các tác phẩm chính: Hán Việt tự điển (1932-1936), Pháp việt tự điển (1936), Việt Nam văn hóa sử cương (1938), Đất nước Việt Nam qua các đời (1964),…
Kỳ tới: Đường Hoàng Diệu và đường Hồ Văn Huê
N.T.T (Phòng VH&TT)